Các hoạt động khác Nguyễn_Sơn_Hà

Trước Cách mạng tháng Tám

Năm 1939, trong một lần vào miền Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Sơn Hà. Với vị trí một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố, Nguyễn Sơn Hà tranh cử dân biểu Hội đồng thành phố Hải phòng, tham gia tích cực các hoạt động xã hội của Hội Trí Tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ. Ngoài ra, Nguyễn Sơn Hà còn tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, ngay bên cạnh khu biệt thự của gia đình trên đường Lạch Tray, Hải Phòng, ông mở trường Dục Anh nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ.

Năm 1939, khi biết tin quê nhà bị mất mùa do hạn hán khiến nhân dân đói kém, ông đã về quê và dùng tiền của mình để giúp đỡ bà con, chuyển hàng trăm cây dừa về trồng ở bên đường và đình làng để tạo bóng mát và thu hoạch quả. Ông còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt. Trong nạn đói Ất Dậu (1945), ông đã liên lạc với bạn bè cùng chí hướng và thuyết phục những người giàu có lập Hội Cứu tế để giúp đỡ dân nghèo. Ông đã dùng số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào việc phát chẩn cứu đói. Lúc đầu nấu cháo, sau đó nấu cháo cũng không xuể thì chuyển sang làm bánh tấm, bánh cám để phát cho dân. Ông cũng đấu tranh với nha đương cục Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói.

Sau Cách mạng tháng Tám

Trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý)- cân được 10,5 Kg. Riêng ông Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen. Vào những ngày đầu của "Toàn quốc kháng chiến" (cuối năm 1946), các doanh nhân như Nguyễn Sơn Hà, Bùi Hưng Gia, Ngô Tử Hạ... đã tình nguyện hiến tài sản cho cách mạng[cần dẫn nguồn].

Đóng góp lớn nhất phải kể đến là vợ chồng ông đã hiến dâng cho đất nước người con trai cả tên Nguyễn Sơn Lâm - người Đội trưởng Tự vệ Hải phòng có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ mừng Độc lập 2-9-1945 tại Quảng trường Nhà hát lớn Hải phòng. Anh hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Đông Khê (Hải phòng). Đó có lẽ là bước quyết định khiến ông một lòng đi theo con đường giải phóng dân tộc: bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của... đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ Kháng chiến quay trở về Thành.

Ngoài ra còn một việc cho đến nay ít ai biết được đó là: Sau Cách mạng tháng Tám thành công ông đã cho phép người em rể là ông Tưởng Dân Bảo (nguyên là Đảng viên Quốc Dân Đảng tham gia một số cuộc khởi nghĩa bị Pháp bắt tù rồi ly khai theo Đảng Cộng sản Đông Dương làm ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Châu Đốc (vợ là Em gái ông Hà, Bà Nguyễn Thị Thảo - Người đã từng hoạt động cùng với Ông Nguyễn Văn Linh nguyên TBT Đảng Cộng sản Việt Nam) sử dụng tiền của Ông Hà từ Đại lý Sơn tại Sài gòn - Trụ sở trên đường Charne, Đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay, tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước thời điểm Pháp nổ súng gây hấn và chiếm lại Nam bộ 23-9-1945. Trong số đó có rất nhiều người sau trở thành lãnh tụ cách mạng của Việt nam như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị...

Ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng.

Khi Pháp tấn công Hải Phòng, cả gia đình ông sơ tán lên chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) rồi lại tiếp tục di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Ở Việt Bắc, ông giúp Cục Thông tin Bộ Quốc phòng lúc đó làm vải nhựa cách điện với điện áp thấp, dùng cho kĩ thuật thông tin bằng cách đun nóng nhựa thông (hoặc nhựa trám) và dầu luyn rồi bôi lên vải diềm bâu. Ngoài ra, ông cũng tổ chức sản xuất giấy than, mực in lito, vải che mưa..., những sản phẩm rất hữu ích đối với Việt Minh trong hoàn cảnh lúc đó.

Ông từng thay mặt Quốc hội khóa I trao Thanh kiếm " Mã đáo Thành công " cho Đại đoàn 308 tại chiến khu Việt Bắc.

Không chỉ nổi tiếng với công việc làm sơn, Nguyễn Sơn Hà còn chế tạo được lương khô và thuốc ho. Lương khô theo công thức chế tạo của ông vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cần thiết lại vừa bảo quản được lâu ngày mà không bị mốc. Ông đã chưng cất tinh dầu của lá cây khuynh diệp để chế ra một loại kẹo ngậm để chống ho gọi là "Pastille Valda" (tên do ông đặt) được Vệ quốc quân sử dụng.

Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội, năm 1958 từ Ủy viên Dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội lên làm Ủy viên chính thức thay Trần Mạnh Quỳ và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa II, III, IV, V.

Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.